cskh@bvqttn.com

Email hỏi đáp

19008035

Điện thoại khẩn cấp

  • Tiếng Việt
  • English

SỐT Ở TRẺ – CHA MẸ KHÔNG NÊN CHỦ QUAN

12/10/2022

Sốt ở trẻ em là tình trạng khá phổ biến nhất là vào thời điểm giao mùa. Đa số những trường hợp trẻ sốt là do những bất thường về đường hô hấp. Tuy nhiên, cơn sốt ở trẻ cũng cảnh báo nhiều mối nguy cơ bệnh tật khác. Cha mẹ không nên chủ quan và cần tìm hiểu thông tin để có cách xử lý phù hợp.

  1. SỐT Ở TRẺ – CẢNH BÁO VIRUS

Một trong những đặc trưng của sốt virus ở trẻ là trẻ sốt liên tục từ 2 – 3 ngày nhưng chỉ sốt về chiều hoặc đêm. Kèm theo đó là những triệu chứng như sổ mũi liên tục, vùng hầu họng bị kích thích khiến bé khó chịu, có cảm giác nôn trớ, nuốt vướng, bé quấy khóc.

Một số dấu hiệu đặc trưng của sốt virus:

– Sốt cao: Thân nhiệt bé từ 38 – 39 độ C, có lúc lên tới 41 độ nhưng khi hạ sốt, bé lại khỏe mạnh và vui chơi như thường.

– Đau nhức mình mẩy: Trẻ đau mỏi khắp mình, chạm vào khó chịu, quấy khóc những trẻ lớn hơn thì đau vùng cơ bắp.

– Đau đầu: Sốt virus ngoài đặc trưng sốt cao thì trẻ còn bị đau đầu, nhưng tinh thần trẻ vẫn tỉnh táo.

– Viêm long đường hô hấp: Triệu chứng phổ biến của hội chứng này là chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ rát, ho nhiều,…

– Rối loạn tiêu hóa: Nếu trẻ bị sốt virus do đường tiêu hóa thì đây là nguyên nhất xuất hiện sớm nhất hoặc muộn hơn so với sốt về chiều ở trẻ em. Dấu hiệu đầu tiên là phân lỏng nhưng không xuất huyết tiêu hóa (đi ngoài ra máu và có chất nhầy).

– Viêm hạch: Các hạch xuất hiện nhiều ở đầu, mặt, cổ. Hạch sưng to, đau nhức, có thể nhìn và sờ được.

– Phát ban ở da: Sau 2 – 3 ngày kể từ khi trẻ khởi phát cơn sốt, phát ban ở da sẽ xuất hiện. Khi đó trẻ sẽ đỡ sốt.

– Viêm kết mạc mắt: Khi trẻ bị sốt virus, kết mạc mắt thường bị viêm đỏ, chảy nhiều nước mắt.

– Nôn ói: Trẻ nôn nhiều lần, đặc biệt là sau khi ăn.

  1. TRẺ BỊ SỐT – DẤU HIỆU CỦA MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP

– Cảm cúm: Ngoài sốt virus, sốt về chiều ở trẻ em còn là dấu hiệu phổ biến của cảm cúm. Những dấu hiệu của cảm cúm cũng tương tự như sốt virus nhưng ít nguy hiểm hơn và trẻ cũng nhanh hồi phục hơn.

– Sốt xuất huyết: Khi bị sốt xuất huyết, trẻ bị sốt liên tục hơn 3 ngày kèm theo xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu mũi. Nhiều trường hợp trẻ hạ thân nhiệt đột ngột làm tay chân lạnh ngắt, bé trở nên vật vã, lừ đừ,…

– Sốt rét: Trẻ bị sốt rét thì cơn sốt kéo dài liên tục chứ không ngắt quãng như người lớn và cũng không rén run. Bé chỉ mệt mỏi, đau đầu, trẻ lớn hơn thì có thể đau nhức cơ.

– Sốt phát ban: Biểu hiện đầu tiên của sốt phát ban là kén ăn, quấy khóc và sốt cao về chiều. Ngoài ra còn một số dấu hiệu như đỏ mắt, chảy nước mũi. Những nốt ban đỏ trên người sẽ xuất hiện khi trẻ hạ sốt.

– Viêm tai giữa: Nếu ngoài những cơn sốt, trẻ còn kéo mạnh hai tai, bố mẹ quan sát thấy có dịch màu vàng, xanh có mùi hôi chảy trong tai trẻ thì trẻ đã bị viêm tai giữa. Khi đó, trẻ nghe kém hơn, tai thường đau nhức, ù,…

  1. LÀM GÌ KHI TRẺ BỊ SỐT?

Sốt ở trẻ em đôi khi là dấu hiệu cảnh báo những bệnh nguy hiểm. Do đó, khi thấy tình trạng này xuất hiện ở trẻ, bố mẹ nên:

– Dùng khăn ấm lau khắp người cho bé (Chú ý những vị trí có mạch máu lớn đi qua: nách, bẹn, trán).

– Cho bé uống nhiều nước. Nếu bé còn đang bú sữa mẹ thì nên cho con bú nhiều nhằm mục đích không để trẻ bị mất nước.

– Cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn nhẹ, số lượng nhỏ và tăng dần.

– Theo dõi trẻ để phát hiện các dấu hiệu bất thường và bệnh trở nặng.

– Dùng thuốc hạ sốt (Uống Paracetamol liều 10-15mg/kg thể trọng/ lần khi sốt từ 38,5 độ C trở lên hoặc Ibuprofen liều từ 5-10 mg/ kg thể trọng/ lần).

– Cho bé mặc những bộ quần áo có khả năng thấm hút mồ hôi tốt.

– Cho trẻ đến Bệnh viện ngay khi trẻ sốt trên 39 độ C, sốt li bì, đau đầu, xuất hiện co giật, buồn nôn, nôn khan nhiều lần trong ngày.

 *Một số điều cha mẹ CẦN TRÁNH khi trẻ đang sốt:

– Lau người, chườm cho bé bằng khăn lạnh.

– Dùng chanh, rượu để lau người (Điều này có thể khiến da bé bị tổn thương hoặc ngộ độc).

– Tuyệt đối không dùng aspirin cho trẻ uống để hạ sốt (Bé có thể gặp biến chứng Reye. Đây là một biến chứng hiếm nhưng có thể nguy hiểm tới tính mạng).

– Không áp dụng những biện pháp dân gian để hạ sốt cho bé (Một số biện pháp thiếu khoa học có thể khiến tình trạng trở nên nặng hơn).

  1. PHÒNG TRÁNH SỐT VỀ CHIỀU Ở TRẺ

Để giúp trẻ hạn chế sốt về chiều cũng như tránh gặp một số căn bệnh khác, bố mẹ nên:

– Cho trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi hắt hơi, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh.

– Luôn mang theo dung dịch rửa tay nếu ra ngoài, phòng khi nơi sắp đến không có xà phòng và nước để rửa.

– Hướng dẫn bé không nên chạm tay vào mắt, mũi, miệng vì đây là những con đường mà vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể.

– Dạy bé cách che miệng khi ho hay hắt hơi.

-Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ qua mỗi bữa ăn, nhất là lúc thời tiết thay đổi (Đây là lúc cơ thể bé dễ nhiễm bệnh nhất).

*Trong trường hợp trẻ có biểu hiện sốt, ho, mệt và không đáp ứng với thuốc hạ sốt, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời, phòng tránh nguy cơ biến chứng. Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên và Bệnh viện Đa khoa Yên Bình Thái Nguyên là các đơn vị y tế uy tín trong việc thăm khám, chẩn đoán, đảm bảo việc thăm khám và điều trị các bệnh lý cho trẻ kịp thời, hiệu quả.

Đặt lịch khám đơn giản và nhanh chóng qua:

Hotline: 1900 8035

Fanpage: Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên & Bệnh viện Đa khoa Yên Bình Thái Nguyên

Website: congtycophanbenhvienquoctethainguyen.com

*Quý khách hàng vui lòng tải App TNH để được chăm sóc sức khỏe toàn diện