cskh@bvqttn.com

Email hỏi đáp

19008035

Điện thoại khẩn cấp

  • Tiếng Việt
  • English

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI SƠ CẤP CỨU CHO BỆNH NHÂN BỊ TAI NẠN THƯƠNG TÍCH TRƯỚC KHI ĐẾN VIỆN

20/08/2022

Bài viết có sự tham vấn chuyên môn của BS CKII. Phan Bá Đào, Phó Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể gặp phải những tình huống cần phải sơ cứu người bệnh trước khi nhân viên y tế đến. Việc sơ cứu rất quan trọng, có thể ảnh hưởng tới sự sống còn hoặc mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh nhân.

Vì vậy, khi đứng trước một vụ tai nạn thương tích do tai nạn giao thông hay tai nạn sinh hoạt, để cứu người bị nạn mà không gây thêm những sai sót, người cấp cứu trước hết phải bình tĩnh, trấn an người bị nạn, tiến hành khẩn trương, chính xác những việc có tính tuần tự như sau:

 Bước 1:  Gọi người ứng cứu và cấp cứu 115 hoặc số điện thoại của cơ sở y tế gần nhất.

 Bước 2:  Sơ cấp cứu người bị nạn trong lúc chờ cứu trợ y tế:

– Xem xét hiện trường:

+ Nếu hiện trường còn yếu tố nguy hiểm(nguy cơ cháy, nổ…) hãy di chuyển nạn nhân ra vùng an toàn nhưng cần giữ nguyên tư thế của nạn nhân, tránh các động tác làm xoắn vặn, gập cổ, gập người.

+ Nếu hiện trường không có nguy cơ gây thêm tai nạn thì không di chuyển nạn nhân.

– Đánh giá tình trạng nạn nhân:

+ Kiểm tra xem nạn nhân còn tỉnh táo không, nếu gọi, hỏi, cấu véo không có đáp ứng cho thấy nạn nhân đang trong tình trạng hôn mê hoặc nguy kịch. Kiểm tra nhanh: đường thở – hô hấp – tim mạch và các chấn thương khác ở xương, cột sống…

Do cấp cứu ban đầu tại hiện trường tai nạn chỉ thực hiện trong thời gian khẩn cấp trước khi bệnh nhân tiếp cận được với lực lượng y tế và trong điều kiện không sẵn có các phương tiện cấp cứu, do vậy việc sơ cấp cứu chủ yếu tập trung vào xử trí thông đường thở, tái lập hô hấp, tuần hoàn cho người bị nạn.

– Tiến hành sơ cấp cứu, xử trí ban đầu theo thứ tự ưu tiên:

  1. Trường hợp chảy máu:

– Đối với vết thương chảy máu không có dị vật: Dùng gạc hoặc vải sạch ép trực tiếp lên vết thương và giữ chặt để cầm máu rồi băng lại.

– Trường hợp vết thương có dị vật: Không được rút dị vật ra vì có thể làm cho máu chảy nhiều hơn. Tiến hành xử trí theo các bước sau: dùng tay ép chặt mép vết thương, chèn gạc quanh dị vật rồi băng chặt cố định. Lưu ý không băng trùm lên dị vật.

  1. Trường hợp có chấn thương cột sống hoặc gẫy xương: Phải cố định, bất động nạn nhân nằm trên mặt phẳng cứng, không di chuyển hoặc xoay trở dễ gây nguy hiểm thứ phát cho nạn nhân.
  2. Trường hợp điện giật: Phải cắt được nguồn điện, ép tim, hô hấp hỗ trợ.

Lưu ý: Trong mọi trường hợp tiếp xúc trực tiếp với máu nạn nhân, người sơ cấp cứu cần mang găng tay cao su, túi nilon sạch hoặc các vật liệu không thấm nước khácđể tránh lây bệnh truyền nhiễm từ nạn nhân (nếu có).

Sau khi thực hiện sơ cấp cứu cơ bản, nên nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất hoặc đến Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên để được cấp cứu kịp thời.

Khi cần cấp cứu vui lòng gọi đến Hotline: 1900 8035 (Nhánh 1)