Trong những ngày gần đây, nhiều bậc cha mẹ không khỏi lo lắng trước tình trạng trẻ nhiễm virus Adeno tăng cao đột biến. Vậy virus Adeno lây qua những con đường nào, cách nhận biết và phòng tránh bệnh ra sao?
Một số thông tin cơ bản về virus Adeno
Adenovirus là một trong những tác nhân gây ra một số bệnh đường hô hấp và dễ gặp vào thời điểm giao mùa. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là những trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi.
Virus Adeno gây ra một số bệnh lý như: Viêm họng cấp, viêm họng kết mạc, viêm đường hô hấp cấp, viêm kết mạc mắt, viêm phổi, viêm dạ dày – ruột,… Virus Adeno còn có thể gây viêm bàng quang ở trẻ em, trong đó bé trai có nguy cơ cao hơn bé gái.
Các con đường lây nhiễm virus Adeno
– Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp; có thể lây qua niêm mạc do bơi lội hoặc nguồn nước rửa bị ô nhiễm dịch tiết từ mắt, mũi họng, phân của bệnh nhân hoặc tiếp xúc gián tiếp qua đồ dùng của bệnh nhân bị nhiễm virus Adeno.
Triệu chứng khi nhiễm virus Adeno
– Sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hoá. Với trẻ có biểu hiện nặng thì xuất hiện tình trạng khó thở.
Bệnh có triệu chứng rất giống với các loại bệnh thông thường về đường hô hấp, khiến nhiều bậc cha mẹ chủ quan và dễ nhầm lẫn. Điều này khiến việc phát hiện bệnh bị chậm trễ, khiến virus có thêm cơ hội lây lan bệnh và gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
Cách phòng ngừa virus Adeno cho trẻ
– Đảm bảo chế độ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho trẻ: Các bậc cha mẹ cần lưu ý bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Khi có sức đề kháng tốt, trẻ có thể giảm nguy cơ mắc các loại bệnh, trong đó bao gồm cả những bệnh về đường hô hấp.
+ Mẹ nên cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời.
+ Khi trẻ bước vào thời kỳ ăn dặm: Mẹ cần tìm hiểu và lên thực đơn hợp lý cho trẻ.
– Chú ý vệ sinh cho trẻ:
+ Nên thường xuyên vệ sinh mũi họng cho trẻ, có thể sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mũi cho trẻ mỗi ngày.
+ Thường xuyên nhắc nhở trẻ rửa tay sát khuẩn. Đây là cách phòng bệnh hiệu quả và thực sự cần thiết trong bối cảnh “dịch chồng dịch” như hiện nay.
– Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh, nhất là vào thời điểm giao mùa. Không để trẻ vã nhiều mồ hôi khi chơi đùa để tránh nhiễm lạnh.
– Không nên cho trẻ đến những nơi công cộng khi đang xảy ra dịch bệnh. Trong trường hợp bắt buộc phải cho trẻ ra ngoài, cần đeo khẩu trang cho trẻ.
– Tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh.
*Trong trường hợp trẻ có biểu hiện sốt, ho, mệt và không đáp ứng với thuốc hạ sốt, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời, phòng tránh nguy cơ biến chứng.
Đặt lịch khám đơn giản và nhanh chóng qua:
Hotline: 1900 8035
Fanpage: Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên & Bệnh viện Đa khoa Yên Bình Thái Nguyên
Website: congtycophanbenhvienquoctethainguyen.com
*Quý khách hàng vui lòng tải App TNH để được chăm sóc sức khỏe toàn diện